×

Cảnh báo

JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 47

Thời hoàng kim của Esport Racing đã đến: Viết lại cuộc chơi trên các đấu trường ảo!

Thời hoàng kim của Esport Racing đã đến: Viết lại cuộc chơi trên các đấu trường ảo!

Trở thành một tay đua chuyên nghiệp là một ý tưởng hấp dẫn và đáng mong ước với rất nhiều bạn đọc ở đây, tuy nhiên ước mơ này lại rất tốn kém. Và rõ ràng, ít nhất bạn phải sở hữu một chiếc xe đua cái đã.

Một viễn cảnh mới

Có một sự thật không thể chối cãi: đó là sự phổ biến của thể thao điện tử đang định hình một tương lai hoàn toàn khác đối với thể thao đua xe toàn cầu.

Quay trở lại năm 2010, thuật ngữ “Thể thao điện tử” nghiễm nhiên chỉ dành riêng cho các game bắn súng hoặc đối kháng như Halo, Call of Duty… Các giải đấu lớn nhỏ quy tụ những game thủ giỏi nhất trong cộng đồng người chơi với giải thưởng lên tới hàng triệu đô la Mỹ.

Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, sau khi quyết định hoãn các chặng đua, mùa giải F1 năm 2020 đã nhanh chóng thông báo ra mắt giải đấu F1 Esports Virtual Grand Prix để khán giả vẫn có những “món ăn tinh thần” trong thời giãn cách ly xã hội. F1 Esports Virtual Grand Prix lấy bối cảnh chính trong tựa game F1 2019 PC được phát triển bởi Codemasters và sẽ được tường thuật trực tiếp trên các kênh chính thức của F1 tại YouTube, Twitch, Facebook với thời lượng khoảng 1,5 giờ.

Trên thực tế, vào năm 2018, phiên bản The Formula 1 eSport Series ra đời, chỉ được đánh giá là “sinh sau đẻ muộn” và chưa thể so sánh được với những “người đi trước” trong eSport Racing như Forza Championship và Gran Turismo Championship. Dù sê-ri này có lợi thế khi thu hút được sự tham gia của các đội đua F1 thực sự (như HAAS F1, AMG Petronas, Sauber Alfa Romeo, Red Bull Racing, Toro Rosso, McLaren, Renault, Williams và Force India); nhưng tại thời điểm này lại chưa được cấp phép bởi FIA như Gran Turismo hay có lượng người xem đông đảo như Forza Motorsport.

Dù vậy, mong muốn đạt đến đỉnh cao của thể thao đua xe của nhiều người hâm mộ bộ môn này chắc chắn là một trong những yếu tố hàng đầu góp phần vào sự xuất hiện và phát triển như vũ bão của eSport Racing hiện nay. Bắt đầu chỉ với những trải nghiệm trên màn ảnh đến những trải nghiệm vật lý sống động, mô phỏng các giải đua kì thú nhất trên thế giới mà ai ai cũng biết đến ngày nay. Không quá ngạc nhiên khi thể thao đua xe điện tử đã trở thành một thể thức đua, được thiết lập thành các giải đấu trên quy mô toàn cầu. Chúng ta có thể kể tới Forza Motorsport, Gran Turismo, Project CARS, iRacing, TrackMania, …. khi mà những tiến bộ về công nghệ đang dần thu hẹp khoảng cách giữa đua xe giải lập và đua xe trên thực tế.

Như vậy, chúng ta có khả năng nhìn thấy một viễn cảnh trong đó đua xe ảo thay thế hoàn toàn thực tế không? Rõ ràng, eSport Racing sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, con đường đến với thể thao đua xe chuyên nghiệp sẽ có nhiều sự lựa chọn mới. Một đứa trẻ muốn trở thành một tay đua Công thức 1, IndyCar hay Le Mans sẽ không còn lo lắng phải có một nền tảng tài chính khổng lồ để theo đuổi ước mơ của mình. Thay vào đó, bố mẹ của chúng chỉ cần sắm lấy một bộ “game console” mới nhất. Những đứa trẻ có thể rèn luyện kĩ năng của chúng trên đó mà vẫn có thể tham gia các đội đua, các giải đấu chuyên nghiệp tranh vị trí vô địch thế giới.

Tùy thuộc vào loại “game console” (bộ điều khiển trò chơi), Forza Motorsport 7 và Gran Turismo Sport có thể được coi là một trong những game đua xe thể thao điện tử lâu đời và có lượng người hâm mộ đông đảo nhất. Họ được đánh giá là “những nhà cắm mốc”, cũng là hai đối thủ “nặng ký” luôn đối đầu với nhau trong quá trình eSport Racing ngày càng phát triển.

“Người cắm mốc” và “kẻ bám sát cuộc đua”

Forza Motorsport phát hành năm 2005 là phiên bản đầu tiên trong loạt sê-ri về Forza Motorsport trên hệ điều hành của Microsoft, sau đó là Xbox 360, Xbox One và Xbox Series X. Ghi nhận dấu mốc đáng nhớ đối với thể thao đua xe điện tử chuyên nghiệp, đó là sự kiện Xbox cho ra mắt Giải vô địch Forza Racing Championship (ForzaRC) từ năm 2016.

Trọng tâm của Forza RC không phải là tạo ra một trải nghiệm trên chiếc xe đua thực sự mà chỉ đơn giản là tìm ra người chơi tốt nhất trong trò chơi này trên thế giới. Đơn đăng ký được mở cho tất cả những người sở hữu trò chơi này. Trong ba mùa liên tiếp, số tuyển thủ đăng ký tham gia đã lên tới hàng nghìn người, trải rộng từ khắp châu Mỹ, châu Âu.

Đến năm 2019, Forza Motorsport giới thiệu hình thức thi theo đội - một đội bao gồm ba tay đua và một huấn luyện viên. Đây là lần đầu tiên việc thành lập đội đua được áp dụng cho các giải đấu đua xe thể thao điện tử, đẩy mạnh tính chuyên nghiệp và năng động của bộ môn này, từ một sân chơi đối kháng giữa các tay đua thành một trò chơi chiến thuật thuộc đấu trường giữa các đội hình.

Từ đó, các đội đua có thể thu hút các nhà tài trợ và xây dựng các gaming house – nơi các game thủ có thể ở và rèn luyện kỹ năng với các đồng đội của mình. Không chỉ thu hút sự quan tâm của các “ông lớn” trong lĩnh vực đua xe thể thao, các nhà tài trợ của những đội đua lớn mạnh từ các bộ môn thể thao điện tử khác như Mark Cuban, Robert Kraft, Jerry Jones, Michael Jordan, Alex Rodriguez,… cũng thể “lấn sân”. Các đội đua đã tham gia Giải Forza Motorsport 7 năm 2019 gọi tên Red Bull eSports, Lazarus, Williams Esports, Veloce Esports, JOTA eSport, Fast Racers Forza… Tổng giải thưởng là 250.000 USD.

Gran Turismo Sport lần đầu tiên được sáng tạo bởi Kazunori Yamauchi vào năm 1997 trên nền tảng PlayStation, sau đó được công ty Polyphony Digital tiếp nối phát triển. Khác với Forza Motorsport, Gran Turismo nhấn mạnh tính chân thực của trải nghiệm thông qua lối chơi mô phỏng y như thực tế và chất lượng đồ hoạ.

Không chịu thua kém, một năm sau Giải vô địch Forza Racing, Polyphony đã bắt đầu cho ra mắt Giải vô địch Gran Turismo vào năm 2017. Tuy nhiên, các nhà phát triển game Gran Turismo đã tiến xa hơn một bước so với Forza Motorsport 7 khi lấy được giấy phép kỹ thuật của FIA. Năm 2018, FIA cũng chính thức công bố sẽ tổ chức Giải vô địch FIA Gran Turismo (FIA GTC) hàng năm.

Với “tấm vé thông hành” từ FIA, Giải vô địch Gran Turismo được mở rộng quy mô trên phạm vị toàn thế giới, các giải thưởng không còn chỉ trao cho các cá nhân hay đội đua, mà còn có cúp cho các quốc gia, các nhà sản xuất, giống như các giải đua thực tế hiện nay.

Với yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao của giải đấu, không ngạc nhiên khi lần lượt xuất hiện các chương trình như Học viện đào tạo Gran Turismo của Nissan tập trung đào tạo bài bản cho các game thủ và biến họ thành những tay đua chuyên nghiệp để tranh giải thưởng cao nhất trên các đấu trường ảo.

Với mùa giải thứ 2 vào năm 2019, Gran Turismo tổ chức tổng cộng 20 vòng đấu trực tuyến, phân bố tại 5 khu vực trên khắp thế giới. Đội nhanh nhất từ mỗi khu vực sẽ được tham dự sáu vòng đấu trực tuyến tiếp theo để tìm ra nhà vô địch thế giới. Đáng nói, không có giải thưởng tiền mặt trong Giải vô địch thế giới Gran Turismo, người chiến thắng sẽ được tặng một chiếc đồng hồ TAG Heuer, một tấm bảng kính ghi nhận chiến thắng và được FIA công nhận là nhà vô địch thế giới trên thể thức đua xe thể thao điện tử tại Lễ trao giải thường niên của FIA.