×

Cảnh báo

JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 47

Cẩm nang đội đua F1 2020: Những điều nên biết về đội Haas

Cẩm nang đội đua F1 2020: Những điều nên biết về đội Haas

Năm 2016 đánh dấu năm đầu tiên đội Haas tham gia F1 với hai tay đua chính là Romain Grosjean và Esteban Gutierrez. Trải qua bốn mùa giải F1, đội đua này vẫn còn “khá trẻ” so với phần còn lại của cuộc đua. Dù vậy, khi nhìn lại chặng đường của Haas, không thể phủ nhận, họ đã trải qua đủ loại thăng trầm.

Thậm chí có thể nói, ở thời điểm hiện tại, đội đua duy nhất đến từ nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc “khủng hoảng trung niên” mà dường như chỉ thấy ở các đội đua lâu đời.

Đội Haas. Ảnh: formula1.com

Một số thông tin nhanh về đội đua:

- Xếp hạng F1 năm 2019: thứ 9                                          

- Đội hình tay đua năm 2019: Kevin Magnussen (16th) Romain Grosjean (18th)

- Đội hình tay đua năm 2020: Kevin Magnussen & Romain Grosjean

- Xe đua F1 năm 2020: Haas-Ferrari VF-20

1. Từng là “Ferrari B”

Đội đua Haas được thành lập do ngài chủ tịch Gene Haas – một người Mỹ, cũng là một nhân vật không quá xa lạ với giới đua xe thể thao. Cùng năm 2016, ông vẫn đang đồng chủ tịch đội đua NASCAR Stewart-Haas Racing.

Haas từng được ví là “Ferrari B” bởi sự hỗ trợ to lớn đến từ đội đua Ý. Trước khi tham dự mùa giải F1 năm 2016, Haas đã có được hợp đồng với nhà cung cấp động cơ Ferrari và được đội đua này hỗ trợ rất lớn về mặt kỹ thuật. Đến nay, Haas vẫn sử dụng động cơ của Ferrari.

Chiếc Haas-Ferrari VF-20. Ảnh: formula1.com

Không những vậy, tay đua Esteban Gutierrez của đội Haas năm 2016 cũng từng là tay đua dự bị và thử nghiệm của Ferrari. Anh đã thi đấu tại Sauber và chấm dứt hợp đồng với đội đua này cuối năm 2014.

Còn tay đua còn lại, Romain Grosjean cho biết anh đến Haas vì đội đua này có mối quan hệ tốt với Ferrari. Grosjean nói thêm việc được thi đấu cho Ferrari luôn là điều anh mơ ước nhưng không phải sự lựa chọn Haas là bước đệm để đến gần hơn đội đua nước Ý. Grosjean cũng cho rằng Ferrari luôn cần có một tay đua tốt, nếu anh thể hiện được những gì tốt nhất mình có thì cơ hội đến Ferrari sẽ có thể trở thành hiện thực.

2. Liên tục gặp khủng hoảng

Không ngoa khi nói rằng thách thức lớn nhất của Haas là một “cuộc khủng hoảng giai đoạn trung niên” bởi vì ngay từ khi bước vào F1, đội đua Mỹ đã liên tục gặp đủ loại khủng hoảng: khủng hoảng tài chính, khủng hoảng con người, khủng hoảng nguồn lực, khủng hoảng về mặt kỹ thuật ….

Romain Grosjean và Kevin Magnussen

Năm 2020, thách thức lớn nhất của Haas là “thuần phục” hai chú “ngựa chiến” là  Romain Grosjean và Kevin Magnussen – hai tay đua thích cạnh tranh với nhau hơn là phối hợp với nhau để toàn đội giành vị trí cao hơn. Giám đốc đội đua Haas là  Guenther Steiner được đánh giá không tồi, những chiếc xe cũng được đánh giá có tiềm năng, nhưng lối ứng xử trên đường đua của Grosjean và Magnussen đã không đem lại những kết quả như đội đua này mong muốn.

Hơn hết, thiếu thốn lớn nhất của Haas vẫn là tiền. Haas không có ngân sách khủng như Renault hay McLaren nên mục tiêu của họ chỉ đơn giản là kiếm được càng nhiều điểm càng tốt.

Trong năm 2019, không thiếu những lần Haas đáng lẽ ra có hai lần điểm khi cả hai tay đua đều ở vị trí trên 10, nhưng rồi mất trắng vì hai tay đua mải đấu với nhau.

Trớ trêu thay, Grosjean và Magnussen không thích nhau. Điều này đã quá rõ ràng đối với giới truyền thông. Thậm chí, hai tay đua này còn không thèm nhìn nhau trong các buổi ra mắt của Haas hay trước ống kính báo chí, truyền thông.

Cho nên, dù có một đội hình ổn và có kinh nghiệm nhưng đội đua đến từ Mỹ đang đối mặt với nhiều khủng hoảng hơn bao giờ hết, đặc biệt nhất chính là khủng hoảng về con người.

Liệu năm 2020, đội đua này có mang vinh quang về cho nước Mỹ sau hơn 30 năm “vắng bóng” trên bục trao giải F1? 

Có lẽ, mấu chốt của thành công nằm ở chỗ giám đốc Steiner có khả năng kiềm chế được hai chú “ngựa chiến” kia hay không?

Diệu Bảo