×

Cảnh báo

JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 47

Go-Kart: Tiền đề của đua xe thể thao chuyên nghiệp

Go-Kart: Tiền đề của đua xe thể thao chuyên nghiệp

Go-Kart có nguồn gốc từ Hoa Kỳ vào những năm 1950. Ban đầu nó là một môn thể thao giải trí đơn thuần, không có ban tổ chức hay ban quản lý. Nhưng đến nay, Go-Kart đã phát triển thành môn thể thao chuyên nghiệp, thậm chí còn được coi là bộ môn tiền đề cho nhiều hạng mục thể thao tốc độ khác, trong đó có giải đua danh giá Công thức 1 (F1).

Khởi điểm của những huyền thoại

Nếu có một điểm xuất phát của nền đua xe chuyên nghiệp, có thể nói, đó chính là bộ môn Go-Kart. Hầu hết tay đua trong làng đua xe bốn bánh thường khởi đầu từ Go-Kart, rồi mới đến những hạng đua cao hơn, hoặc những dòng xe lớn hơn. Có thể kể đến những nhà vô địch thế giới như Ayrton Senna, Lewis Hamilton, Michael Schumacher, Sebastian Vettel, Kimi Räikkönen,...

 

Karting là tiền đề của nhiều môn đua xe bốn bánh

Sở dĩ Go-Kart được đánh giá là bước đầu tiên để đi đến chiếc F1 bởi những điểm tương đồng giữa hai bộ môn này. Theo đó, Đua Go-Kart là một dạng Đua Công thức 1 mini với những chiếc xe đua nhỏ, sử dụng công nghệ động cơ 2 thì, có thể đạt vận tốc lên tới hơn 200km/h. Giải đua Go-Kart chuyên nghiệp hiện có 4 cấp bậc như sau: Micromax (nhi đồng) từ 7 tuổi đến 11 tuổi; Junior (tập sự) từ 12-15 tuổi; Senior (chuyên nghiệp) từ 16 trở lên; DD2 (master) ngoại hạng. Do vậy, môn thể thao này không chỉ thõa mãn niềm đam mê tốc độ của những tay đua chuyên nghiệp ở tuổi trưởng thành mà nó còn là môn thể thao trau dồi kinh nghiệm dành cho những tay đua nhí, vị thành niên, cùng những tay đua không chuyên.

Tay đua Charles Leclerc (đội Ferrari) và tay đua Esteban Ocon (đội Renault) 14 năm trước, thời còn đua xe Karting

Chiếc xe kart đầu tiên năm 1956

Chiếc xe Go-Kart đầu tiên được phát minh tại California, Mỹ vào năm 1956. Chuyện kể rằng, Art Ingels và Lou Borelli là hàng xóm với nhau, đã bật ra ý tưởng về chiếc xe kart sơ khai bằng cách kết hợp động cơ cắt cỏ McCulloch West-Bend vào chiếc khung xe gầm thấp, chỉ cách mặt đất vài inch (1 inch = 2,54 cm). Sau đó, Ingels đã mang chiếc xe này tham gia một cuộc đua ở địa phương. Là một khán giả, Duffy Livingstone – người sau này được vinh danh là “cha đẻ của bộ môn Go-Kart”, đã rất ấn tượng khi được chiêm ngưỡng chiếc xe này. Ông đã về tự chế tạo ra 2 chiếc kart của riêng mình.

Chiếc xe kart đầu tiên

Cùng người bạn của mình là Roy Desbrow – ông sở hữu một doanh nghiệp sản xuất bộ phận giảm thanh cho xe hơi, Livingsote cùng một số người đam mê bộ môn đua xe bốn bánh đã thực hiện những cuộc đua đầu tiên tại bãi đậu xe Rose Bowl, Pasadena. Go-Kart đã nhanh chóng trở nên phổ biến đến mức những chiếc xe kart đã được sản xuất hàng loạt và bày bán trên thị trường. Công ty sản xuất xe kart đầu tiên ra đời vào năm 1957, với tên GoKart.

Vào những năm 1960, Go-Kart bắt đầu hiện diện ở nhiều thị trấn và thành phố của Hoa Kỳ với tư cách là một môn thể thao giải trí. Mặc dù, bộ môn đã có một lượng người theo dõi đáng kể, nhưng do không có cơ quan quản lý phụ trách, các thiết kế của xe kart thay đổi nhanh chóng, mỗi địa điểm lại có một cách thức tổ chức, thể thức đua khác nhau. Do đó, nó còn được coi là một môn thể thao chỉ giành cho một số tầng lớp có tiền – những người say mê Go-Kart và có đủ tiền để mua những bộ phận mới để bắt kịp xu hướng thời thượng.


“Vận đổi ngôi”

Mặc dù xe Go-Kart được phát minh tại Mỹ, nhưng những giải đua Go-Kart chuyên nghiệp lại được tổ chức tại Ý, với những hãng xe Go-Kart nổi tiếng tại Ý như Praga, Tony Kart, CRG.

Các mẫu xe kart trở nên đơn giản, đại trà hơn

Điều này bắt nguồn từ những chuyển hoá tại những năm 1970, những chiếc xe kart chuẩn châu Âu lại trở nên phổ biến hơn xe kart từ Mỹ. Trong khi đó, McCulloch là nhà sản xuất động cơ hàng đầu của Mỹ đã được mua lại bởi Black and Decker – một doanh nghiệp châu Âu không mấy hứng thú sản xuất ra những mẫu xe kart mới lạ, bắt mắt.

Giới đua xe đều cho rằng, những chiếc xe kart của thời hiện đại đều có nguồn gốc từ những thay đổi trong những năm 70: đó là động cơ xe được đặt ở bên cạnh, thay vì phía sau của chiếc xe kart; như vậy, người lái sẽ có nhiều không gian để chân hơn và ít bị ảnh hưởng hơn từ hơi nóng của động cơ phía sau. Theo đó, động cơ kart được sản xuất bởi hãng Yamaha phổ biến nhất giai đoạn này. Sau đó, các nhà sản xuất Hoa Kỳ cũng đã trở lại “cuộc chơi”, đi đầu là nhà sản xuất động cơ hàng đầu nước Mỹ Briggs and Stratton.


Karting lần đầu được công nhận

Vào những năm 1980, một số cơ quan quản lý đã được thành lập, với ý muốn công nhận Karting thành một môn thể thao chuyên nghiệp, thay vì là một loại hình giải trí. Đơn cử, Hiệp hội Karting Thế giới và Liên đoàn Karting Quốc tế ra mắt tại Mississippi (Mỹ). Đồng thời, thời điểm đó cũng là lần đầu tiên karting được công nhận là một môn thể thao đối kháng. Từ đó, đường đua và cách thức tổ chức đã được tiêu chuẩn hoá. Theo đó, giá thành của bộ môn này cũng được điều chỉnh thấp hơn, để có thể dễ tiếp cận đối với nhiều thành phần, trong đó có cả dân không chuyên và những người đam mê thể thao tốc độ khác.

Karting đã được công nhận là một môn thể thao chuyên nghiệp

Tại thời hiện đại, bắt đầu từ những năm 1990, Go-Kart được coi là “những bước đầu nhập môn” cho những tay đua theo đuổi con đường đua xe chuyên nghiệp. Với tính chất như trên, ý tưởng cho rằng Karting là bộ môn dành cho giới nhà giàu chứ không phải những tay đua tài năng đang dần bị loại bỏ.

Cựu chủ tịch của Uỷ ban Karting Quốc tế của FIA (CIK-FIA) Abdul Abdulla bin Isa Al Khalifa từng chia sẻ với tạp chí Karting rằng mong muốn của ông là đơn giản hoá cũng như làm cho môn thể thao này rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn đối với nhiều tay đua hơn. Do đó, CIK-FIA đã đưa ra nhiều giải pháp hạn chế việc gia tăng giá thành liên quan đến tổ chức các giải đua, ví như Giải vô địch Karting thế giới (KC) giảm từ 5 xuống 4 ngày.


Tương lai Đua Go-Kart tại Việt Nam

Cùng với việc Việt Nam lần đầu tiên có đường đua Formula One (F1) sẽ diễn ra trong năm 2020 tại Hà Nội, bộ môn Đua Go-Kart đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ trong năm 2019. Theo đó, sự xuất hiện của Giải đua GoKart Formula Racing Vietnam (FRV) 2019 – 2020 là giải đua chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam dành cho các tay đua chuyên nghiệp, đồng thời cũng có những hạng mục dành cho nhóm tay đua phong trào và những người có chung niềm đam mê với bộ môn Go-Kart.

Tại Việt Nam, còn rất nhiều thách thức để phát triển bộ môn Karting nói riêng, và thể thao tốc độ nói chung. Những thách thức bao gồm cả những định kiến và chính sách liên quan tới thể thao tốc độ, cũng như thiếu hụt phương pháp và chế độ “nuôi dưỡng” những tài năng đua xe trẻ. Hiện trong làng đua Karting, Doug Pham (Phạm Hoàng Nam) hiện đang được đánh giá là tay đua tốt nhất của lứa trẻ đầu tiên thuộc câu lạc bộ Go-Kart chuyên nghiệp TrippleX Karting. Được biết, cậu bé bắt đầu học Karting từ năm 10 tuổi. Nếu so với các tay đua trên thế giới thì độ tuổi này cũng hơi muộn. Ví dụ, tay đua 7 lần đạt danh hiệu vô dịch thế giới Michael Schumacher đã bắt đầu học lái chiếc xe Go-Kart đầu tiên trong cuộc đời từ năm 4 tuổi.

Về xuất phát điểm, bộ môn Karting ở Việt Nam cũng bắt đầu muộn hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay trong Đông Nam Á, Việt Nam cũng đi sau Thái Lan, Campuchia, Singapore hay Malaysia. Nhìn về con đường phía trước của nền đua xe bốn bánh của Việt Nam sẽ là một chặng đường dài, nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội. Quan trọng nhất, thiết nghĩ, vẫn là sự nuôi dưỡng những tài năng đua xe trẻ tuổi, có thể “gánh vác” được danh hiệu Việt Nam ghi danh tại những giải đua tầm cỡ của thế giới.